“Trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0 thì rất khó truy vết, vì không biết ai lây cho ai, lây theo hình thức nào, rất nguy hiểm” – PGS Trần Đắc Phu nói và cho rằng “dịch tái diễn thì lại phải giãn cách từ đầu”.
Tối 21/9 – rằm Trung thu, hàng loạt tuyến đường quanh khu vực trung tâm Hà Nội chật kín người đi đường. Một số đường xung quanh Hồ Gươm, phố cổ như Hàng Lược, Hàng Cân, Hàng Mã, Đinh Tiên Hoàng ùn ứ, ken đặc người.
Nói về việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cho rằng đây là những hình ảnh rất buồn, đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng mà Thành phố đang thực hiện.
Ông Phu đánh giá Hà Nội thời gian qua đã thành công khi khống chế không để dịch bùng phát. Các chùm ca bệnh cũng đã được khoanh vùng trong diện hẹp. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình dịch như hiện nay, rất khó để tìm được hết 100% F0 ở cộng đồng hay đưa số ca mắc mỗi ngày về con số 0 được (zero COVID). Ổ dịch ở phường Việt Hưng (Long Biên) là một ví dụ. Dịch cũng đi vào các chuỗi cung ứng, nhiều lái xe luồng xanh hay người bán hàng online, người bán cũng như người mua hàng ở chợ… cũng bị nhiễm.
Hơn nữa, dù Hà Nội đã bố trí các chốt kiểm soát, cách ly tập trung những trường hợp đi từ nơi có dịch về nhưng cũng không thể bảo đảm kiểm soát hết 100%. Do đó, Hà Nội vẫn luôn đặt trong trạng thái “nguy cơ rất cao”, dịch bệnh vẫn có thể xảy ra.
“Kể cả khi Thành phố trở về được trạng thái bình thường mới rồi cũng không thể nói chúng ta hết nguy cơ“, ông Phu nhấn mạnh.
Dẫn ra ví dụ từ một số quốc gia vẫn tiếp tục siết chặt, hạn chế đến mức thấp nhất việc tổ chức các lễ hội để tránh nguy cơ lây nhiễm không đáng có khi người dân đổ ra đường, PGS Phu nhấn mạnh. Thành phố tạo điều kiện nhưng người dân không thể vì thế mà chủ quan, vì “giải nén lò xo trong thời gian giãn cách” mà bỏ qua các quy định, khuyến cáo.
“Trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0 thì rất khó truy vết, vì không ai biết ai lây cho ai, lây theo hình thức nào, rất nguy hiểm” – PGS Phu nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, Hà Nội nới lỏng từng bước dần đi đến trạng thái bình thường mới, còn bây giờ vẫn phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 15, tức là người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và không tập trung đông người…
“Đổ xô đi chơi Trung thu, xếp hàng dài, chen chúc đi mua phở, cắt tóc… liệu có cần thiết hay không?” – ông đặt vấn đề.
Chủ quan vì đã có 1-2 lần xét nghiệm âm tính, không ít người dân còn chủ quan vì nghĩ rằng, đã tiêm một mũi vaccine thì không thể nhiễm bệnh. Đó là sai lầm.
Vị chuyên gia khẳng định vaccine giúp hạn chế tối đa khả năng chuyển nặng khi nhiễm bệnh, còn khi người dân vừa được tiêm vaccine thì cơ thể không thể có kháng thể chống virus ngay được. Bản thân họ vẫn có thể nhiễm và truyền bệnh cho người khác. Thậm chí, nhiều gia đình còn mang theo con nhỏ – những người chưa được tiêm vaccine, chưa hề có miễn dịch – ra đường.
“Có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng. Để dịch bùng lên lại thì chúng ta lại phải giãn cách lại từ đầu” – ông nói.
Để giữ vững thành quả đã đạt được, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, PGS Phu cho rằng càng phải cẩn trọng cao độ. Nếu chúng ta chủ quan, đặc biệt là không kiểm soát tốt người đi từ vùng dịch về, nguy cơ dịch sẽ tái diễn.
nguồn: https://giadinh.net.vn/y-te/chuyen-gia-trong-bien-nguoi-di-choi-trung-thu-dem-qua-chi-can-co-1-f0-thi-rat-nguy-hiem-20210922105423003.htm